Lý giải sức mạnh của Rek’Sai – Nấm Mồ Hư Không ở vị trí đi rừng

Cùng phân tích về một trong những vị tướng có tỉ lệ Cấm và Chọn cao nhất tại các giải đấu trên thế giới.

Ngày 10/12/2014, phiên bản 4.21 – phiên bản cuối cùng của mùa giải 2014 được cập nhật tại máy chủ Bắc Mỹ. Một ngày sau, vị tướng mới Rek’Sai chính thức ra mắt. Vào thời điểm đó, những thay đổi lớn trong khu vực rừng đang dần được hoàn thiện, và sự xuất hiện của một tướng đi rừng giống như một làn gió tươi mới thổi qua Summoner’s Rift. Quả thật, chỉ sau vài tháng, Nấm Mồ Hư Không hoàn toàn thống trị các giải đấu trên thế giới, trở thành lựa chọn hàng đầu ở vị trí đi rừng trong suốt giai đoạn đã qua của mùa giải. Vậy nguyên nhân là do đâu?

RekSai-LM360-1

Bộ kỹ năng sinh ra để đi rừng

Một vị tướng đi rừng thường có những yêu cầu gì? Khả năng dọn quái rừng, kiểm soát bản đồ và các mục tiêu, sát thương và lượng khống chế khi gank các đường, đánh tay đôi mạnh, khả năng chống chịu trong giao tranh… Số lượng tướng đi rừng mạnh vào thời điểm đó không nhiều, và cũng không có vị tướng nào đáp ứng được hết tất cả những yêu cầu trên. Vậy còn Rek’Sai thì sao?

Điều đầu tiên cần phải nói, đó là bộ kỹ năng của Rek’Sai không hề tiêu tốn năng lượng, vì thế có thể nhường sớm bùa xanh cho vị trí đường giữa, thậm chí ngay từ bùa xanh đầu tiên trong một số trường hợp và chiến thuật cụ thể. Nội tại Cơn Thịnh Nộ của Xer’Sai cho một lượng hồi phục đáng kể, Đường Hầm (E khi Độn Thổ) giúp vị tướng này di chuyển giữa các bãi quái rừng vô cùng dễ dàng. Nữ Hoàng Phẫn Nộ (Q) tăng tốc độ dọn rừng nhờ sát thương lan và thời gian hồi chiêu thấp. Cuối cùng là nội tại của chiêu cuối Tốc Hành Hư Không cung cấp một lượng lớn tốc độ đánh (60% khi nâng tối đa).

 

 

Rek’Sai trong tay SofM dọn 4 bãi quái rừng chỉ trong khoảng hơn 1 phút

Cảm Quan Địa Chấn là một nội tại rất đặc biệt. Nó cho phép Rek’Sai cảm nhận sự hiện diện của kẻ địch trong một phạm vi khá rộng xung quanh mà KHÔNG CẦN CÓ TẦM NHÌN. Chính nhờ hiệu ứng này mà Nấm Mồ Hư Không có thể phát hiện đường đi nước bước của tướng đi rừng đối phương. Đây là một lợi thế không hề nhỏ.

Sự cơ động khó tin của Rek’Sai nằm ở kỹ năng Đường Hầm và Tốc Hành Hư Không (R). Với tối đa 8 Đường Hầm trên bản đồ, thời gian tồn tại 10 phút, cùng khả năng dịch chuyển tức thời đến bất cứ Đường Hầm nào, Rek’Sai có thể tạo ra những hướng gank bất ngờ, khó dự đoán trước, giống như hình bên dưới.

RekSai-LM360

Hai đường màu trắng trong hình là hai hướng gank đường trên và đường dưới mà Rek’Sai có thể đào hầm qua mà không bị trụ bắn

Chiêu cuối giống như một phiên bản của Định Mệnh (R – Twisted Fate), Nhất Thống (R – Shen) hay Trời Sập (R – Pantheon) với đôi chút sự khác biệt. Chúng ta đều hiểu những vị tướng trên đáng sợ như thế nào ở khoản Global Gank (gank trên phạm vi toàn bản đồ). Nếu như đặt Đường Hầm thông minh, Tốc Hành Hư Không thậm chí còn nguy hiểm hơn, vì thời gian hồi chiêu của nó thấp hơn rất nhiều (70s khi nâng tối đa, các chiêu cuối kể trên đều là 120s). Rek’Sai cũng có thể sử dụng để trở lại rừng farm sau khi về nhà mua thêm trang bị, hoặc đẩy lẻ khi cần thiết. Thậm chí là trong giao tranh khi thấp máu, tìm góc an toàn Biến Về nhà hồi phục, rồi quay lại… đánh nhau tiếp.

Sát thương của Rek’Sai rất đa dạng, đa phần là sát thương vật lí nhưng cũng có cả sát thương phép thuật (Săn Mồi – Q khi Độn Thổ) và đặc biệt là sát thương chuẩn (Ngồm Ngoàm Ngấu Nghiến – E). Dù đã bị giảm sức mạnh không ít lần nhưng lượng sát thương của vị tướng này vẫn rất lớn, đặc biệt nếu lên thêm trang bị tấn công. Rek’Sai cũng rất mạnh trong đấu tay đôi khi kết hợp với trang bị Đao Đụng Độ. Kỹ năng khống chế duy nhất Trồi Lên (W khi Độn Thổ) rất hữu dụng và dễ trúng, thời gian chờ ngắn.

 

 

Sát thương của Reignover Rek’Sai trong tình huống này là quá khủng khiếp

Metagame mùa giải 2015 đã xuất hiện rất nhiều tướng “trâu bò”, và Rek’Sai có thể đảm đương tốt vai trò này, dù không phải là một tướng thuần túy chịu đòn. Rek’Sai có thể ra vào giao tranh linh hoạt nhờ Đường Hầm, rất khó chết với nội tại hồi phục. Khi có được trang bị Phù Phép Quỷ Lửa, độ cứng cáp của Rek’Sai là không thể xem thường. Nấm Mồ Hư Không theo hướng chống chịu cũng rất mạnh trong những giao tranh kéo dài, do thời gian hồi chiêu các kỹ năng rất thấp, có thể gây sát thương liên tục.

Kiểm soát các mục tiêu lớn như rồng, baron là sở trường của Rek’Sai. Cảm Quan Địa Chấn giúp phát hiện tướng địch; Đường Hầm tăng khả năng di chuyển giữa các địa hình xung quanh; Săn Mồi vừa cho tầm nhìn, vừa hỗ trợ rỉa máu; Tốc Hành Hư Không có thể tiếp cận mục tiêu nhanh nhất có thể từ bất cứ đâu trên bản đồ, thậm chí Rek’Sai còn có cả khả năng dồn sát thương vào mục tiêu kết hợp Trừng Phạt (nhấn mạnh là sát thương CHUẨN), vốn là thương hiệu của Lee Sin/Elise.

Eternum-RekSai-690x431

Tóm lại, Nấm Mồ Hư Không có thể đáp ứng gần như mọi yêu cầu của vị trí đi rừng trong metagame hiện tại. Lẽ dễ hiểu khi rất nhiều người đi rừng nổi tiếng trên thế giới (Bengi, Reignover, Score…) thuần thục vị tướng này, và nó ít nhiều đã đem lại những thành công cho họ.

Phù hợp với mọi chiến thuật

Mùa giải 2015, với những thay đổi mang tính cách mạng trong khu vực rừng, vô số chiến thuật mới được sản sinh, những chiến thuật cũ cũng được cải tiến hơn. Trong mỗi chiến thuật cụ thể, các đội tuyển sẽ chọn ra những vị tướng mạnh thích hợp nhất ở từng vị trí. Thông thường, các vị tướng khác nhau chỉ có thể phục vụ cho một vài chiến thuật, ví dụ như khi muốn ép giao tranh liên tục thì nên lấy Gragas, Sejuanni; cần khả năng cấu máu thì Nidalee là vị tướng thích hợp nhất; hay Elise sẽ phát huy hiệu quả trong đội hình bắt lẻ và dồn sát thương vào một mục tiêu.

Tuy nhiên, Rek’Sai là một ngoại lệ hiếm có, bởi đơn giản vị tướng này có thể nhét vào bất cứ một đội hình nào, chơi theo bất cứ một chiến thuật nào mà vẫn phát huy hiệu quả tối đa. Trồi Lên khi kết hợp với Tốc Biến giúp Rek’Sai có thể đóng vai trò là người mở giao tranh hoàn hảo. Săn Mồi có sát thương cơ bản không hề thấp, đặc biệt là giai đoạn giữa trận, hỗ trợ cấu máu rất hiệu quả mà còn cung cấp cả tầm nhìn. Với Tốc Hành Hư Không, Rek’Sai hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò đẩy lẻ. Khi cần bảo vệ xạ thủ, khả năng hất tung liên tục những kẻ địch lao vào cũng rất tốt. Còn khi đổi đường, sở trường kiểm soát bản đồ và mục tiêu lớn của Rek’Sai lại càng trở nên lợi hại.

 

 

Một giao tranh mẫu mực của Unicorns of Love với pha hất tung 3 người của Rek’Sai trong tay Kikis

Những hạn chế

Đương nhiên, không có vị tướng nào là hoàn hảo 100%, và Rek’Sai cũng vậy. Nấm Mồ Hư Không vẫn có những điểm yếu nhất định. Càng về cuối, sát thương cũng như khả năng chống chịu của vị tướng này không còn đáng sợ như giai đoạn đầu và giữa trận nữa. Rek’Sai cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đội bị dẫn trước. Ngoài ra, có một số vị tướng khắc chế Rek’Sai khá tốt, tiêu biểu là những tướng hỗ trợ có kỹ năng ngăn cản Rek’Sai lao vào tuyến sau của đội hình (Alistar, Janna, Thresh). Nidalee hay Elise là những tướng đi rừng đánh tay đôi rất mạnh trong giai đoạn đầu, có thể thắng được Rek’Sai. Nấm Mồ Hư Không cũng phải rất cẩn thận khi gank Gnar hay Kalista, bởi lượng khống chế và độ cơ động của hai vị tướng này có thể khiến Rek’Sai phải trả giá.

 

 

Chung kết Thế Giới 2015 đã đến rất gần. Những người đi rừng xuất sắc nhất thế giới sắp hội tụ tại châu Âu, và chúng ta không thể không mong đợi màn trình diễn của họ với vị tướng đi rừng số một meta thời điểm hiện tại – Rek’Sai.

Theo: LM360


Bạn có thể quan tâm